CHỦ ĐỀ QUANG HỢP Ở CÁC NHÓM THỰC VẬT C3, C4, CAM - TRẮC NGHIỆM THEO CẤP ĐỘ - SINH 11
Chia sẻ
QUANG HỢP Ở CÁC NHÓM THỰC VẬT C3, C4, CAM
I. NHẬN BIẾT
Câu 1: Pha sáng của quang hợp ở thực vật là pha chuyển hóa năng lượng ánh sáng đã được
A. diệp lục chuyển hóa thành năng lượng của các liên kết hóa học trong NADH và FADH2.
B. diệp lục chuyển hóa thành năng lượng của các liên kết hóa học trong ATP và NADPH.
C. diệp lục hấp chuyển hóa năng lượng của các liên kết hóa học trong ATP và FADH2.
D. carôten hấp chuyển hóa năng lượng của các liên kết hóa học trong ATP và NADPH.
Câu 2: Pha sáng của quang hợp ở thực vật diễn ra ở
A. chất nền (strôma) của lục lạp. B. trong tế bào chất của tế bào.
C. tilacôit của lục lạp. D. trong nhân của tế bào.
Câu 3: Sản phẩm ở pha sáng của quá trình quang hợp ở thực vật gồm có
A. ADP, NADPH và O2. B. ATP, NADPH và O2.
C. C6H12O6 và CO2. D. ATP và NADPH.
Câu 4: Sản phẩm nào của pha sáng trong quang hợp ở thực vật không đi vào pha tối?
A. ATP. B. NADPH.
C. ATP, NADPH. D. O2.
Câu 5: Phân tử ôxi được giải phóng trong quang hợp ở thực vật có nguồn gốc từ
A. H2O. B. CO2.
C. C6H12O6. D. RiDP.
Câu 6: Chu trình Canvin trong quang hợp ở thực vật gồm các giai đoạn:
(1) Khử APG (axit phôtphoglixêric) thành AlPG (anđêhit phôtphoglixêric).
(2) Cố định CO2.
(3) Tái sinh chất nhận ban đầu là RiDP (ribulôzơ – 1, 5 – điphôtphat).
Trật tự các giai đoạn nào sau đây là đúng?
A. (1) → (2) → (3). B. (2) → (3) → (1).
C. (3) → (1) → (2). D. (2) → (1) → (3).
Câu 7: Trong quang hợp ở thực vật, chất nhận CO2 đầu tiên của chu trình Canvin là
A. RiDP (ribulôzơ – 1,5 – điphôtphat). B. APG (axit phôtphoglixêric).
C. AlPG (anđêhit phôtphoglixêric). D. PEP (phôtpho ênolpiruvat).
Câu 8: Nhóm thực vật C4 bao gồm các loài cây nào sau đây?
A. Xương rồng, thanh long, dứa. B. Mía, ngô, rau dền.
C. Cam, bưởi, nhãn. D. Xương rồng, mía, cam.
Câu 9: Trong quang hợp ở thực vật, sản phẩm cố định CO2 ổn định đầu tiên của chu trình C3 là
A. ATP (ađênôzin triphôtphat). B. APG (axit phôtphoglixêric).
C. AlPG (anđêhit phôtphoglixêric). D. RiDP (ribulôzơ – 1,5 – đi phôtphat).
Câu 10: Trong quang hợp ở thực vật, pha tối diễn ra ở vị trí nào trong lục lạp?
A. Màng ngoài. B. Màng trong.
C. Chất nền (strôma). D. Tilacôit.
Câu 11: Trong quang hợp ở thực vật, con đường CAM là đặc điểm thích nghi sinh lí của
A. thực vật phân bố ở hầu khắp mọi nơi trên Trái Đất.
B. một số loài thực vật sống ở vùng nhiệt đới.
C. một số loài thực vật sống ở vùng cận nhiệt đới.
D. những loài thực vật mọng nước sống ở vùng sa mạc khô hạn.
Câu 12: Diễn biến nào dưới đây không xảy ra trong pha sáng của quá trình quang hợp ở thực vật?
A. Quá trình tạo ATP, NADPH và giải phóng O2. B. Quá trình cố định CO2.
C. Quá trình quang phân li nước.
D. Sự biến đổi trạng thái của diệp lục (từ dạng bình thường sang dạng kích thích).
Câu 13: Trong quang hợp ở thực vật, sản phẩm cố định CO2 ổn định đầu tiên của chu trình C4 là
A. AOA (axit ôxalô axêtic). B. APG (axit phôphoglixêric).
C. PEP (phôtpho enolpyruvat). D. RiDP (ribulôzơ – 1,5 – đi phôtphat).
II. THÔNG HIỂU
Câu 1: Khi nói về pha sáng của quang hợp ở thực vật có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
(1) Pha sáng chỉ diễn ra khi có ánh sáng.
(2) Xảy ra quá trình quang phân li nước tại xoang tilacôit.
(3) ATP và NADPH được tạo ra trong pha sáng sẽ cung cấp cho pha tối tổng hợp chất hữu cơ.
(4) O2 sinh ra ở pha sáng có nguồn gốc từ CO2.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 2: Khi nói về quang hợp ở thực vật phát biểu nào sau đây đúng?
(1) Pha tối sẽ không xảy ra nếu không có pha sáng.
(2) Thực vật C4 có cường độ quang hợp cao hơn và nhu cầu nước cao hơn thực vật C3.
(3) Giai đoạn đầu cố định CO2 ở thực vật CAM thực hiện vào ban đêm.
(4) Thực vật CAM cố định CO2 ở 2 loại lục lạp là lục lạp tế bào mô giậu và lục lạp tế bào bao bó mạch.
A. (1) và (2). B. (1) và (3).
C. (2) và (4). D. (3) và (4).
Câu 3: Pha tối của quang hợp ở các nhóm thực vật C3và C4 khác nhau về bao nhiêu đặc điểm sau đây?
(1) Chất nhận CO2 đầu tiên.
(2) Sản phẩm cố định CO2 ổn định đầu tiên.
(3) Có hô hấp sáng hay không có hô hấp sáng.
(4) Thời gian diễn ra.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 4: Trong quang hợp ở thực vật C3, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
(1) Trong chu trình Canvin, chất nhận CO2 đầu tiên là RiDP (ribulôzơ – 1,5 – đi phôtphat).
(2) Chu trình Canvin có thể chia thành ba giai đoạn: giai đoạn cố định CO2, giai đoạn khử APG (axit photphoglixêric) thành AlPG (anđêhit photphoglixêric) và giai đoạn tái sinh chất nhận là RiDP (ribulôzơ – 1,5 – đi phôtphat).
(3) ATP và NADPH do pha sáng cung cấp tham gia vào cả 3 giai đoạn trong chu trình Canvin.
(4) Mọi loài thực vật đều có chu trình Canvin.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 5: Trong quang hợp ở thực vật C3, pha tối sử dụng trực tiếp bao nhiêu thành phần sau đây?
(1) ATP;
(2) O2;
(3) NADPH;
(4) C6H12O6;
(5) H2O;
(6) CO2.
A. 5. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 6: Quá trình quang hợp ở thực vật C3, C4 có điểm giống nhau là
A. chất nhận CO2 đầu tiên là RiDP (ribulôzơ – 1,5 – đi phôtphat).
B. sản phẩm cố định CO2 ổn định đầu tiên là APG (axit photphoglixêric).
C. có chu trình Canvin và diễn ra vào ban ngày.
D. diễn ra trên cùng một loại tế bào bao bó mạch.
Câu 7: Năng suất sinh học tăng dần ở các nhóm thực vật được sắp xếp theo thứ tự là
A. CAM → C3 → C4. B. C3 → C4 → CAM.
C. C4 → C3 → CAM. D. C4 → CAM → C3.
Câu 8: Vì sao ở thực vật CAM giai đoạn đầu cố định CO2 phải thực hiện vào ban đêm?
A. Vì ban đêm nhiệt độ hạ thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các phản ứng sinh hóa trong quang hợp.
B. Vì mọi thực vật đều thực hiện pha tối vào ban đêm.
C. Vì ban đêm có đủ lượng nước cung cấp cho quá trình cố định CO2.
D. Vì thực vật CAM sống nơi khô hạn nên khí khổng mở vào ban đêm để tránh mất nước.
III. VẬN DỤNG
Câu 1: Khi nói về thực vật C4, có bao nhiêu phát biểu sau đây sai?
(1) Thực vật C4 cố định CO2 chủ yếu ở 2 loại lục lạp là lục lạp tế bào mô giậu và lục lạp tế bào bao bó mạch.
(2) Quang hợp ở thực vật C4 không có chu trình chu trình Canvin.
(3) Trong điều kiện cường độ ánh sáng mạnh, thiếu CO2 và O2 tích lũy nhiều, thực vật C4 xảy ra hô hấp sáng làm giảm năng suất quang hợp.
(4) Thực vật C4 có năng suất sinh học cao hơn thực vật CAM và thấp hơn thực vật C3.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 2: Khi nói về quang hợp ở thực vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
(1) Pha sáng của quang hợp ảnh hưởng trực tiếp đến giai đoạn khử trong chu trình Canvin.
(2) Quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4, CAM giống nhau diễn biến của pha sáng và khác nhau về chu trình Canvin.
(3) Quá trình cố định CO2 ở thực vật C3 và C4 diễn ra vào ban ngày còn thực vật CAM diễn ra vào ban đêm.
(4) Ở thực vật CAM, giai đoạn tái cố định CO2 trong chu trình Canvin cũng diễn ra vào ban đêm để tránh mất nước.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 3: Khi nói về quang hợp ở cây dứa, có bao nhiêu phát biểu sau đây sai?
(1) Quang hợp ở cây dứa và cây mía đều có pha sáng và chu trình Canvin.
(2) Trong điều kiện cường độ ánh sáng mạnh, ở cây dứa sẽ xảy ra hô hấp sáng làm giảm năng suất quang hợp.
(3) Để tránh mất nước, khí khổng cây dứa đóng lại vào ban ngày và mở vào ban đêm để lấy CO2 và thực hiện chu trình Canvin vào ban đêm.
(4) Dứa có lục lạp ở tế bào mô giậu.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 4: Khi nói về pha tối của quang hợp có bao nhiêu phát biểu sau đây sai?
(1) Nếu không có ánh sáng thì pha tối vẫn có thể diễn ra bình thường khi được cung cấp đầy đủ CO2.
(2) Pha tối diễn ra giống nhau ở tất cả các loài thực vật.
(3) Pha tối diễn ra trong chất nền (strôma) của lục lạp.
(4) Pha tối ở các nhóm thực vật đều diễn ra vào ban ngày.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 5: Phát biểu nào sau đây sai khi giải thích hiệu suất quang hợp của thực vật C3 thấp hơn so với thực vật C4 trong môi trường có cường độ ánh sáng cao?
A. Thực vật C4 có điểm bão hòa ánh sáng thấp hơn thực vật C3.
B. Nhiệt độ cực đại làm ngừng quang hợp ở cây C4 cao hơn cây C3.
C. Thực vật C3 có hô hấp sáng, còn thực vật C4 thì không.
D. Thực vật C4 có hai loại lục lạp thực hiện 2 chức năng: cố định CO2 sơ cấp và tổng hợp chất hữu cơ.
IV. VẬN DỤNG CAO
Câu 1: Trong một thí nghiệm về quang hợp ở thực vật C3, khi tắt ánh sáng thì trong lục lạp có một chất tăng và một chất giảm. Hai chất được xác định lần lượt là
A. APG và RiDP. B. AlPG và RiDP. C. RiDP và APG. D. RiDP và AlPG.
Câu 2: Khi tiến hành thí nghiệm về quang hợp ở cây đậu, người ta nhận thấy: nếu cây được cung cấp đầy đủ ánh sáng nhưng giảm nồng độ CO2 đến 0% thì trong lục lạp có một chất tăng và một chất giảm lần lượt là
A. APG và AlPG. B. RiDP và APG.
C. APG và RiDP. D. AlPG và RiDP.
Câu 3: Khi nói về quang hợp ở thực vật, có bao nhiêu nhận định sau đây đúng?
(1) Quang hợp là quá trình chuyển hóa quang năng thành nguồn năng lượng duy trì hoạt động sống của sinh giới.
(2) Pha sáng của quang hợp đã cung cấp dưỡng khí cho sinh vật hiếu khí.
(3) Quang hợp góp phần ngăn chặn hiệu ứng nhà kính.
(4) Con đường CAM là đặc điểm thích nghi sinh lí của thực vật mọng nước đối với môi trường khô hạn ở sa mạc.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 4: Khi nói về cây mía, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?
(1) Cây mía tiến hành quang hợp theo con đường C4.
(2) Đường được tổng hợp ở lá thông qua quang hợp sẽ vận chuyển về phần ngọn để tích lũy.
(3) Vào mùa hè, độ dài ngày tăng lên, cây mía sẽ sinh trưởng nhanh hơn vào mùa mưa.
(4) Trồng mía với mật độ cao sẽ tăng năng suất và chất lượng cho cây.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
Câu 5: Có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng về quang hợp ở thực vật C4?
(1) Nhóm thực vật C4 gồm một số loài sống ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như mía, rau dền, dứa, thanh long, cao lương, kê,…
(2) Thực vật C4 có hai loại tế bào chứa lục lạp là tế bào mô giậu và tế bào bao bó mạch.
(3) Thực vật C4 có cường độ quang hợp cao hơn, điểm bù CO2 thấp hơn, thoát hơi nước thấp hơn thực vật C3.
(4) Thực vật C4 không có hô hấp sáng nên năng suất sinh học cao hơn thực vật C3.
A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.
— HẾT —
Chia sẻ