Chia sẻ
Mục lục
Nhu cầu được tăng lương là nhu cầu chính đáng để giáo viên toàn tâm toàn ý cho công việc, nhất là trong thời điểm dịch bệnh phải căng mình dạy online.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên” tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, để lương “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên” là một vấn đề không hề đơn giản nhất là trong giai đoạn tình hình kinh tế khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhiều giáo viên bươn chải đủ mọi nghề tay trái để kiếm sống
Thu nhập hiện tại của giáo viên mới ra trường khoảng trên dưới 3 triệu mỗi tháng, bản thân người viết là giáo viên công tác đúng 20 năm thì thu nhập sau khi trừ các khoản còn khoảng 7,5 triệu đồng mỗi tháng, có thể nói sau 20 năm công tác thì thu nhập trên vẫn không đủ chi phí lo cho bản thân, gia đình.
Đó là chưa kể kinh phí khác như mua sắm dụng cụ hỗ trợ giảng dạy, học tập chuyên môn, chứng chỉ, tập huấn, bồi dưỡng,…
Để dễ hình dung, đồng lương giáo viên hiện nay so với đồng nghiệp toàn cầu khá khiêm tốn, so với mức lương của các nước công bố năm 2018, mức lương cao nhất của giáo viên Việt Nam bằng 1/2 mức lương trung bình của giáo viên ở Ai Cập (nước có mức lương giáo viên thấp nhất trong 35 nước được khảo sát) và bằng 1/17 mức lương trung bình của giáo viên ở Thụy Sĩ (nước có mức lương giáo viên cao nhất trong 35 nước được khảo sát).
Ngoài công việc ở trường, nhiều giáo viên còn phải làm thêm rất nhiều nghề tay trái để kiếm sống như: shipper, bán hàng online; nhân viên tiếp thị, bồi bàn, có cả giáo viên chạy xe ôm,… để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình.
Các giải pháp cấp bách để giải quyết bài toán nhân sự, lương giáo viên
- Tiếp tục tinh giảm mạnh mẽ bộ máy.
- Tiếp tục tăng trường tư giảm trường công nơi nào có điều kiện.
- Tăng thời gian làm việc.
- Tiết kiệm ngân sách chi cho giáo dục, phong trào.
Người viết cho rằng lần này chính là dịp để Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với các cơ quan ban ngành giải quyết bài toán nhân sự, tăng trường tư, tiết kiệm chi và cải thiện thu nhập cho giáo viên cả nước, để lương giáo viên đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, rút ngắn khoảng cách của lương nhà giáo so với đồng nghiệp toàn cầu và phải thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo.
(Theo giaoduc.net.vn)
Chia sẻ